Cảm nhận đèn pin custom Hanko Machine Works phiên bản Tesseract Trident stonewashed titanium

Hanko Machine Works là một thương hiệu đèn pin custom từ Mỹ. Jeff Hanko, người đứng sau thương hiệu này, tự tay thiết kế, gia công và lắp ráp mọi sản phẩm tại một xưởng nhỏ ở sân sau nhà của mình. Jeff đã tạo ra những chiếc đèn pin được săn đón nhất trong thế giới đèn pin custom. Anh cũng hợp tác với Steel Flame để tạo ra các clip cài cho đèn pin Hanko.

Mình đã săn lùng chiếc đèn từ Hanko từ lâu, và đây là chiếc đèn Titanium stonewash với vân CNC Tesseract mà mình thích nhất. Đèn này sử dụng driver H17Fx của Dr. Jones, LED Samsung LH351D 4000K và được CNC rãnh xoắn mới gọi là TriStart, giúp việc mở và lắp pin dễ dàng hơn. Ngoài ra, Jeff đã tự tay lắp 6 thanh Tritium (vật liệu có thể phát sáng trong vòng 25 năm mà không cần cung cấp năng lượngđây cũng là một chất phóng xạ yếu, bạn có thể Google để tìm hiểu thêm về nó) vào thấu kính Carlo của đèn, tạo nên sự độc đáo. Hiện tại, nếu bạn đặt mua chiếc đèn pin này qua hình thức “sổ xố” trên group của Hanko Light, giá khoảng $800 cho cấu hình này chưa kèm phí về Việt Nam, kèm clip cài từ Steel Flame, tuy nhiên bạn sẽ khó có thể sở hữu được mẫu Tesseract này.

Chất lượng build, ngoại hình và thiết kế

Một điều Hùng rất thích ở các mẫu Trident là phần viền bezel. Đúng vậy, viền bezel là một phần liền khối với đầu đèn, nhưng được thiết kế với các rãnh nhỏ (không sâu và bén như các đèn Tactical). Điều này đủ để khi đèn đứng thẳng trên mặt bàn, một chút ánh sáng vẫn có thể nhìn thấy. Đây là một tính năng mình rất thích ở kiểu đèn này và thường bị bỏ qua, nó giúp cho việc biết được đèn pin mở hay đang tắt, vì chúng ta rất thường hay quên.

Và nếu để ý hơn bạn sẽ thấy clip kẹp không nằm chồng chéo ngẫu nhiên lên các rãnh trên thân đèn. Ô cửa sổ trên clip hoàn toàn vừa vặn với các rãnh trên thân đèn. Đây là yếu tố chứng tỏ Jeff đã rất cẩn thận và chau chuốt trong thiết kế sản phẩm của mình.

Các ren trên Trident được cắt theo hình tam giác được gọi là TriStart, không quá dài chỉ tốn khoảng 3,25 vòng để tháo ra, tất nhiên, chúng không được stonewash. Cấu trúc thân đèn được chia thành hai phần – đầu và đuôi. Phần đuôi không thể tháo rời (switch được vặn vào thân đèn).

Một điểm nữa về Tesseract là tính linh hoạt cao, các thân đèn có thể thay với nhau được, chúng vừa khít hoàn hảo. Driver H17Fx có thể được thay đổi thành driver Dragon của CWF, tuy nhiên nếu muốn lắp mạch Lux-RC 371D thì bạn phải tiện một chiếc pill đồng khác. Led có thể được thay đổi dễ dàng, có thể sắp tới mình cũng sẽ đổi qua mạch Dragon với Led Nichia 519A 2700K và Led UV cho kênh phụ, hoặc đổi sang single led cho vui vẻ.

Switch của đèn là loại công tắc cơ học forward clicky, cho phép sử dụng như một công tắc momentary. Nó khá là to, có độ nảy tốt và có vân khía để dễ cầm nắm, tiêu chuẩn nhất vẫn loại McClicky.

Mình cũng muốn lưu ý rằng nó có thể đứng vững trên đuôi dễ dàng – vòng bezel xung quanh công tắc đủ cao để đèn có thể đứng thẳng trên bề mặt phẳng như bàn chẳng hạn.

Sử dụng

Bộ sưu tập đèn pin Trident của Hanko không phải là những chiếc đèn sử dụng pin 18350 nhỏ nhất, nhưng kích thước của chúng vẫn rất tuyệt vời cho việc mang theo hàng ngày (EDC).

Trident đi kèm với một clip kẹp bằng thép không gỉ, được gắn bằng hai ốc Torx. Đây không phải là clip bình thường – mà là chiếc clip đến từ hãng Steel Flame danh giá. Steel Flame sản xuất đủ loại clip dao, trang sức và nhiều hình dạng, nhưng đối với HMW (Hanko Machine Works), họ làm những kẹp “trơn” như thế này.

Như đã nói ở trên, chiếc clip này vừa vặn hoàn hảo với đèn Trident, như thể được thiết kế riêng cho nó hoặc đèn được thiết kế riêng cho clip. Chiếc đèn này cùng với kiểu clip này như là tổ tiên của các đèn EDC hiện nay. Mình cảm giác đèn của Hanko được làm ra để gắn clip Steel Flame, vì nó hoàn hảo với mọi clip của hãng.

Tại thời điểm viết bài này, mình đã mua một chiếc clip Steel Flame hình đầu lâu, phiên bản Warrior XL với giá $500 và đang chờ ship về Việt Nam. Mình thật sự không có nhiều kiến thức về Steel Flame, nhưng do thích quá nên mới “lọt hố”, sắp tới sẽ nghiên cứu thêm.

Chiếc đèn pin mình nhận được có khoảng cách khoảng 1mm giữa thân và phần dưới của clip, thỉnh thoảng sẽ “rung” hoặc “kêu” khi va chạm với thân. Điều này có thể dễ dàng khắc phục bằng cách tháo kẹp và “siết chặt” lại, nhưng mình nghĩ thực ra nó được thiết kế như vậy để tránh làm trầy thân khi tháo đầu đèn, thật sự tinh tế.

Đèn pin này sử dụng một pin lithium-ion. Phiên bản hiện tại là pin 18350, còn phiên bản 18650 đã được sản xuất nhưng rất hiếm, có kiếm được cũng chưa chắc kiếm được đúng chất liệu và loại vân CNC mong muốn. Khác với các đèn như TorchLAB BOSS, Trident không có tùy chọn để sử dụng cả pin 18350 và 18650. Mình rất mong có tùy chọn này, và càng mong hơn là có thể sở hữu một phiên bản 18650, dù chỉ để trưng là chính vì thực ra pin 18350 đã đủ cho nhu cầu hàng ngày của mình.

Về những chiếc đèn pin custom và đặc biệt là đèn pin Titanium thì độ sáng và runtime không phải là yếu tố mà mình quan tâm, tuy nhiên với thông số của hãng đưa ra là 1500 Lumens và sẽ hạ sáng sau 30 giây, đây cũng là quá tốt rồi.

Với bảng mạch MCPCB tiêu chuẩn, có đủ chỗ để lắp một vòng đệm dạ quang (glow gasket), vừa rẻ lại thú vị, nên mình rất khuyến khích sử dụng! Tuy nhiên cái đèn mình đang có đã được Jeff “độ” sẵn 6 thanh Tritium rồi nên mình sẽ không gắn gasket nữa, nhiều cái màu sắc quá mất hay.

Kết lại

Mình rất thích chất lượng chế tạo tuyệt vời của các đèn pin từ hãng Hanko, đặc biệt là việc sử dụng driver H17Fx có thể lập trình của Dr. Jones. Tính linh hoạt của các bộ phận thể hiện rõ chất lượng chế tạo xuất sắc của đèn. Đèn có tính thẩm mỹ cao, sự tinh tế và cẩn trọng trong thiết kế, giống như một món trang sức bỏ túi, và có giá trị sưu tầm rất lớn, nếu không muốn nói là lớn nhất, giá trị mua bán lại cũng rất cao, không bị mất giá. Ngoài ra, còn có khả năng trang trí thêm nhiều thứ linh tinh như thêm ống tritium và các loại clip kẹp khác nhau, làm cho nó càng giống một món trang sức bỏ túi hoặc để trưng trên kệ.

Tuy nhiên, mình không thích một số điểm như giá thành cao và khó mua, chỉ có mỗi hình thức tham gia kiểu đăng ký. Đèn cũng không bao gồm pin và không có giấy chứng nhận (COA). Bao bì chỉ có mỗi đèn, ngoài ra không còn thông tin gì hết, tối thiểu là cái hướng dẫn sử dụng cũng không có. Nói thật là nếu bạn chưa từng sử dụng H17Fx thì sẽ có chút khó khăn để tìm hiểu.

Tóm lại thì mình khá là ưng và sẽ kiếm mua thêm vài chiếc nữa và bắt đầu vào con đường chơi clip cài Steel Flame. Còn bạn thì sao? Bạn có nghĩ rằng chiếc đèn pin này đáng đồng tiền bát gạo hay không?

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *