Nitecore EDC29 được thiết kế theo phong cách phẳng, đặc trưng của dòng EDC từ Nitecore (gồm các mẫu 23, 25, 29 và sắp tới là 37). Ngay từ cái nhìn đầu tiên, mẫu đèn này đã gây ấn tượng mạnh với mình. Ở phân khúc đèn pin phẳng, các thương hiệu Mỹ như Surefire (với dòng Stiletto thường, Pro và Pro II) hay Streamlight (với dòng Wedge) đã ra mắt sản phẩm từ lâu. Gần đây, các hãng Trung Quốc cũng tham gia thị trường này với những mẫu như E30 của RovyVon hay Arkfeld của Olight.
Có thể thấy, Nitecore nhận ra rằng trong phân khúc đèn phẳng vẫn còn thiếu những sản phẩm có thông số mạnh mẽ. Sự xuất hiện của EDC29 chính là bước tiếp theo trong nỗ lực của họ nhằm chiếm lĩnh thị phần này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mình vẫn chưa thực sự hài lòng với bất kỳ mẫu EDC nào của Nitecore. Nói đúng hơn, chất lượng của các sản phẩm này vẫn còn một khoảng cách khá xa so với “tượng đài” Stiletto của Surefire.

Thiết kế và chất lượng hoàn thiện – Có vẻ chắc chắn, nhưng hoàn thiện kém
Ngay khi cầm EDC29 trên tay, mình có thể cảm nhận được sự nâng cấp rõ rệt về độ chắc chắn và hoàn thiện so với người tiền nhiệm EDC27UHI. Thân đèn làm bằng thép không gỉ được phủ PVD màu titan, mang lại vẻ ngoài “khá ngầu” và cảm giác cầm nắm rất tốt. Nitecore cũng đã thêm các miếng đệm kim loại có kết cấu để tăng cường độ bám, dù cá nhân Hùng thấy nó không thực sự giúp tăng cường độ bám quá nhiều, dù cầm nắm tay không hay là có bao tay. Kích thước và trọng lượng của EDC29 (133.5mm x 34.6mm x 22.5mm, 160g) cho thấy nó lớn và nặng hơn một chút so với EDC27, nhưng vẫn giữ được form phẳng giúp dễ dàng bỏ túi quần.
Tuy nhiên, dù có vẻ ngoài “cơ bắp”, chất lượng hoàn thiện của nó vẫn còn một số điểm đáng để bàn:
Kẹp túi (Pocket Clip) “dở khóc dở cười”: Đây là một điểm mà Hùng thực sự không hài lòng. Clip cài của EDC29 cực kỳ cứng, đến mức khó khăn khi kẹp vào túi quần. Dù nó chắc chắn không di chuyển, nhưng lại không phải là kiểu kẹp sâu (deep-carry), khiến khoảng 33mm (khoảng 1.3 inch) của đèn vẫn nhô ra ngoài túi quần. Điều này trông khá “lố bịch” và dễ bị chú ý. Nó có thể tốt cho việc gắn lên áo khoác chiến thuật, nhưng với một chiếc đèn EDC hàng ngày thì lại là một phiền toái lớn, vẫn không hiểu được đội ngũ thiết kế của Nitecore đã nghĩ gì khi thiết kế một chiếc clip rất tệ như vậy, việc duy trì kẹp quá lồi là một thiết kế không tốt chút nào.

Cấu trúc thân đèn: Mặc dù được làm bằng thép không gỉ, nhưng Nitecore EDC29 vẫn sử dụng cấu trúc “sandwich” thép dập. Hùng chỉ ước gì nó được làm hoàn toàn bằng nhôm để nhẹ hơn và tản nhiệt tốt hơn, vì cấu trúc thép dập chưa chắc đã bền bỉ hơn nhôm với lớp hardcoat anodizing (Type III).
Giao diện người dùng (UI) và các nút điều khiển – “Thông minh” nhưng cũng có vấn đề
Nitecore EDC29 có giao diện người dùng tương đối giống các mẫu đèn phẳng khác của Nitecore, với hai nút bấm hai giai đoạn ở đuôi đèn và một cần gạt khóa cơ học ở bên cạnh. Màn hình OLED nhỏ hiển thị các thông tin hữu ích như mức độ sáng, thời lượng pin còn lại và trạng thái khóa. Dưới đây là những điểm sáng về UI:
Khóa cơ học Rapid Lock: Đây là tính năng mà mình cực kỳ yêu thích trên EDC29. Nó giúp khóa đèn cực kỳ nhanh chóng và dễ dàng, chỉ cần một thao tác gạt nút, thay vì phải thực hiện các chuỗi bấm nút phức tạp như khóa điện tử. Với một chiếc đèn sáng đến mức này, khả năng khóa nhanh là rất quan trọng để tránh “đốt cháy” túi quần của bạn.
Truy cập nhanh các chế độ: Đèn có thể truy cập nhanh chế độ Ultralow bằng cách nhấn giữ nửa nút nguồn, và các chế độ Search/Lumin Shield/Strobe bằng cách nhấn giữ nút tùy chỉnh. Bạn cũng có thể xem trước và chọn mức sáng mong muốn (Ultralow, Low, Mid, High) trên màn hình OLED trước khi bật đèn.

Và đây là những điểm hết sức kì quặc về UI mà Hùng phải nhắc đến:
Chế độ “Ultralow” không hề “Ultra”: Đây là một điểm trừ lớn. Nitecore quảng cáo chế độ 15 lumens là “Ultralow”, nhưng thực tế, nó quá sáng đối với một chế độ siêu thấp (moonlight). Với Hùng, một chiếc đèn EDC thực thụ cần có chế độ moonlight từ 1 lumen trở xuống để không làm phiền người khác khi sử dụng trong không gian tối hoặc gần. 15 lumens có thể hữu ích cho một số trường hợp, nhưng chắc chắn không phải là một chế độ “Ultralow”.
Màn hình OLED không “thật thà”: Màn hình OLED hiển thị mức lumen đầu ra, nhưng nó chỉ cho thấy giá trị ban đầu khi pin đầy. Điều này có thể gây hiểu lầm vì sau một thời gian sử dụng hoặc khi pin yếu, độ sáng thực tế có thể đã giảm xuống nhưng màn hình vẫn hiển thị mức lumen “lúc ban đầu”. Bạn sẽ không biết chính xác đèn còn bao nhiêu lumen ở thời điểm hiện tại. Nó như thông số ảo được lập trình sẵn để hiển thị cho có mà thôi.

Bố cục nút chưa tối ưu cho người dùng thuận tay trái: Nitecore EDC29 có vẻ được thiết kế tối ưu cho người thuận tay phải. Người thuận tay trái có thể gặp khó khăn khi cầm đèn và dễ bấm nhầm nút, hoặc không thể nhìn rõ màn hình OLED khi cầm đèn theo cách tối ưu cho các nút bấm. Nếu bạn là người thuận tay trái như Hùng hay có thói quen cầm đèn tay trái sẽ vô cùng khó chịu với vấn đề này.
Chế độ khóa bán phần (Semi-Lockout) “vô nghĩa”: Nitecore có thêm chế độ khóa bán phần, cho phép truy cập turbo/strobe nhưng khóa nút nguồn. Cá nhân Hùng thấy chế độ này khá “ngớ ngẩn” và không cần thiết, việc chuyển đổi qua lại khá mệt mỏi, strobe và turbo thì thời gian quá giới hạn, nó cũng không thể bảo vệ đèn khi bỏ túi, nói chung là trừ khi bạn có một nhu cầu strobe ở cường độ cao (mà EDC29 có thời gian “sạc” lại sau mỗi lần strobe là lâu vô cùng) thì tính năng này không cần thiết.
Hiệu suất chiếu sáng và màu sắc – Sáng “điên khùng” trong vài giây, rồi “chết”
Đây có lẽ là điểm mà Nitecore muốn “khoe” nhất về EDC29: công suất tối đa 6500 lumens nhờ hai đèn LED NiteLab UHi 20 MAX với tổng cộng 18 nhân LED. Trong các bài kiểm tra, một số nơi còn đo được mức lumen lên đến 8671 lumens ở thời điểm bật đèn. Mức độ sáng này thực sự “đáng kinh ngạc” đối với một chiếc đèn có kích thước như vậy. Chế độ Search (chiếu xa) và Lumin Shield (chiếu tỏa) cũng rất ấn tượng. Tuy nhiên, sự thật phũ phàng về hiệu suất:
Độ sáng tối đa chỉ duy trì vỏn vẹn vài giây: Đây là nhược điểm chí mạng nhất của EDC29. Mặc dù công suất 6500 lumens nghe rất “kêu”, nhưng nó chỉ duy trì được khoảng 7-10 giây trước khi giảm độ sáng đột ngột xuống mức cao hoặc trung bình (thường là khoảng 1200 lumens hoặc 400 lumens). Sau khi sử dụng chế độ turbo, đèn cần một khoảng thời gian khá lâu để “sạc lại” và có thể bật turbo trở lại, đặc biệt nếu đèn đã nóng, nó có hiển thị dưới dạng thanh “loading bar” trên màn hình, cả Search mod hay Turbo đều chỉ dùng được thời gian ngắn và hồi lại rất lâu. Điều này có nghĩa là, trên thực tế, EDC29 hoạt động như một chiếc đèn 1200 lumen với khả năng “bùng nổ” ngắn hạn, điểm này thì hầu hết những đèn có nguồn gốc thương hiệu Trung Quốc đều như vậy, nhưng với EDC29, nó thực sự tệ.

Đèn nóng rất, rất nhanh: Với công suất lớn như vậy, không ngạc nhiên khi EDC29 nóng lên nhanh chóng, thậm chí có thể đạt nhiệt độ 49-62°C sau vài lần bật turbo ở thời gian . Điều này gây khó chịu khi cầm nắm và cũng là một mối lo ngại về an toàn nếu bạn sử dụng liên tục ở mức sáng cao.
Chất lượng màu sắc và beam kém: EDC29 sử dụng LED có chỉ số hoàn màu (CRI) thấp (khoảng 60-70) và nhiệt độ màu lạnh (cool white) từ 5100K đến 7000K. Đặc biệt, ở các chế độ sáng thấp hơn, ánh sáng có xu hướng ám xanh (green tint) khá rõ ràng. Điều này ảnh hưởng đến khả năng nhận diện màu sắc thực tế của vật thể và có thể gây mỏi mắt nếu sử dụng lâu dài. Nhưng với 1 chiếc đèn Tactical thì cũng không đòi hỏi gì nhiều được, có điều nó ám xanh quá mức, gây khó chịu vô cùng.
Chùm sáng có “vết”: Mặc dù không ảnh hưởng nhiều khi sử dụng ngoài trời, nhưng khi chiếu lên tường trắng, bạn có thể thấy một quầng tối xung quanh vùng trung tâm của chùm sáng (hotspot) trước khi vùng tràn (spill) bắt đầu. Chùm sáng tràn cũng có hình bầu dục thay vì tròn, có thể do cạnh viền của đèn được thiết kế không tối ưu.
Cảm biến tiệm cận chưa hoàn hảo: Đèn có cảm biến tiệm cận để giảm độ sáng nếu phát hiện vật cản gần đầu đèn khi bật ở chế độ High, Turbo hoặc Strobe. Tuy nhiên, cảm biến này không thể tắt vĩnh viễn và chỉ hoạt động khi đèn vừa bật. Điều này có nghĩa là nếu đèn đã bật và bạn đưa nó lại gần vật thể, cảm biến sẽ không kích hoạt. Không rõ là do đèn mình lỗi hay Nitecore đã thiết kế như vậy, bạn nào có EDC29 có thể giúp mình confirm vấn đề này.
Pin và Sạc – Tiện lợi nhưng tuổi thọ là một dấu hỏi
EDC29 được trang bị pin Li-ion 2500mAh tích hợp, dung lượng lớn nhất trong phân khúc đèn phẳng. Đèn hỗ trợ sạc USB-C nhanh chóng, chỉ mất khoảng 1.5 đến 1.75 giờ để sạc đầy. Bạn cũng có thể sử dụng các chế độ sáng thấp khi đèn đang sạc. Đây là một nhược điểm lớn, mang tính “tử thần” cho chiếc đèn. Pin tích hợp đồng nghĩa với việc khi pin chai hoặc hỏng, bạn không thể tự thay thế, và gần như toàn bộ chiếc đèn sẽ trở nên vô dụng. Điều này rút ngắn đáng kể tuổi thọ sử dụng của sản phẩm. Nitecore có lý do riêng để làm điều này, tuy nhiên ở góc độ người dùng thích pin thay thế được như mình thì không thích cho lắm, nhưng điều này cũng tuỳ quan điểm mỗi người.
Độ bền và chống nước – Một nỗi thất vọng lớn
EDC29 có thân bằng thép không gỉ và khả năng chống va đập từ độ cao 1m. Nhưng bạn đừng lầm tưởng nó sẽ bền bỉ, đây là điều làm mình thất vọng ở EDC29:
Tiêu chuẩn kháng nước IP54: Đây là một điểm trừ cực lớn đối với một chiếc đèn EDC được quảng bá cho sử dụng hàng ngày và các hoạt động ngoài trời. Chuẩn IP54 chỉ có nghĩa là đèn “chống bắn tóe nước”, tức là chỉ chịu được các tia nước phun từ mọi hướng trong tối đa 3 phút. Nó không thể chịu được trời mưa lớn hoặc ngâm nước. Với một chiếc đèn mà bạn mang theo hàng ngày, khả năng bị ướt là rất cao (chẳng hạn như gặp trời mưa bất chợt). Tiêu chuẩn này là không thể chấp nhận được và màn hình OLED đặc biệt dễ bị hỏng nếu dính nước. Hầu hết các đèn pin khác cùng phân khúc đều đạt IP67 hoặc IP68 (có thể ngâm nước) và chịu va đập 2m.

Lớp mạ PVD cực dỏm: Không biết phải nói sao nữa, Các dòng EDC của Nitecore luôn có lớp phủ tệ nhất mà mình từng biết, nó bong tróc, dễ trầy và đôi khi mình chỉ ước gì Nitecore làm đèn bằng nhôm, mọi thứ sẽ hay ho hơn nhiều.
Tóm lại
Nitecore EDC29 là một chiếc đèn pin “tuyệt vời trong chất lượng” và “đáng kinh ngạc” nếu như bạn nhìn qua thông số và tin lời quảng cáo của những người bán hàng. Nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc đèn phẳng để “rọi sáng” cả khu vực trong chớp mắt cho mục đích tự vệ, tìm kiếm nhanh hoặc làm đèn dự phòng, thì EDC29 có thể là một lựa chọn không tệ lắm. Cơ chế khóa cơ học Rapid Lock và giao diện dễ sử dụng cũng là những điểm cộng lớn.
Tuy nhiên, xét trên vai trò là một chiếc đèn EDC thực thụ, EDC29 lại tồn tại quá nhiều nhược điểm lớn khiến anh em phải cân nhắc kỹ: Chế độ turbo 6500 lumens thực chất chỉ “làm màu” vì duy trì được vài giây rồi tụt nhanh, phải chờ lâu mới dùng lại được nên giá trị sử dụng thực tế rất thấp. Đèn cũng nóng lên quá nhanh, gây khó chịu và có thể nguy hiểm nếu sử dụng lâu dài. Việc pin tích hợp không thể thay thế cũng là một điểm trừ lớn. Đặc biệt, khả năng kháng nước chỉ đạt chuẩn IP54 là một nỗi thất vọng, bởi với một sản phẩm EDC, việc không thể an tâm sử dụng khi gặp mưa là điều khó chấp nhận.
Với mức giá khoảng 110 USD (ở Việt Nam, anh em nhập lậu bán khoảng 1 triệu rưỡi hoặc 1 triệu 7), EDC29 là một chiếc đèn đầy quyền lực nhưng chỉ dành cho một “phân khúc khách hàng ngách” nhất định. Anh em cần phải ưu tiên khả năng “bùng nổ” công suất và bỏ qua các yếu tố như độ bền dưới mưa, tuổi thọ pin dài lâu và chế độ Ultralow thực sự. Nếu phải tóm tắt lại về chiếc đèn pin này, mình phải gọi nó là: “Nhìn là có vẻ chuyên nghiệp và trâu bò, nhưng thực tế thì ngược lại”.
Ở thời điểm mình viết bài này thì Nitecore đã ra mắt EDC37 và mình cũng đã đặt mua để trải nghiệm, tuy nhiên mình cũng không hy vọng gì nhiều vì số lumen càng khủng hơn và tính năng chống nước vẫn vậy.
Để lại một bình luận