Đây là một bài viết của của bạn Than Manh trên group Mê Đồ Mẽo. Tất cả nội dung và hình ảnh đều của bạn ấy.

Chao xìn anh em. Hôm nay rảnh rỗi e ngồi viết bài review so sánh 2 con đèn đội đầu mà mình ưng nhất. 2 cây này được đánh giá khá cao và cũng khá nổi tiếng: Armytek Wizard Pro Nichia Limited (hiện có bản nâng cấp mới là Wizard C2 Pro Nichia với thiết kế body mới và turbo cao hơn 200 lumens) vs Zebralight H600FD.
Ⅰ. Ba yếu tố quan trọng nhất của một cây đèn đội đầu là:
Trọng lượng: Nói về trọng lượng thì không đèn nào qua nổi Zebralight với cân nặng chỉ 39g (không pin), nhẹ nhất trong hàng ngũ đèn dùng pin 18650. Còn Armytek với trọng lượng 62g (không pin) tuy có vẻ nặng hơn nhiều so với Zebra nhưng không đến nỗi gây khó chịu khi đeo.

UI: UI của 2 con này cũng na ná nhau và phức tạp hơn những UI phổ biến trên Olight, Fenix. UI của Wizard Pro Nichia được chia làm 2 kiểu UI. Kiểu thứ nhất là kiểu mặc định khi vừa mới dùng đèn. 1 click để bật đèn, có mode memory. Bấm giữ đèn để bật moonlight, double click để vào medium và triple click để vào turbo. Trong mỗi mode khi đèn đang sáng thì nhấn giữ để nhích lên submode (sáng hơn 1 tí). Kiểu UI thứ 2 là Simple UI giống như UI Olight, chỉ khác 1 điều là chỉ khi đèn đang bật, double click mới lên turbo, còn lúc đèn đang tắt thì double click không lên turbo được. Để chuyển qua Simple UI thì nới lỏng nắp đuôi, ấn giữ công tắc rồi siết nắp đuôi lại (đối với các model cũ của Armytek thì đây là cách chuyển sang tacticool mode). Về phần Zebralight thì nhiều người ghét Zebra UI vì nó khó hiểu và khó cài đặt. Riêng đối với mình thì nó là UI tuyệt vời nhất vì nó cho mình tự tạo ra UI riêng của mình. Để dễ hình dung nhất thì Zebra có tổng cộng 12 mức sáng trải đều từ 0.08 lumens đến 1568 lumens để dùng đi cùng với 3 Mode Group để cài đặt. Các thao tác khi đèn đang tắt bao gồm 1 click, double click, nhấn giữ. Khi đèn đang bật thì double click để sang submode sáng hơn 1 tí (giống như Armytek nhưng thay vì nhấn giữ thì nó là double click). Ở 3 Group mode thì Group mode 1 là UI mặc định của Zebra bao gồm 1 click turbo, double click medium và nhấn giữ cho moonlight (đây là 1 UI ngu học bất hợp lí nên mọi người rất ghét nhưng chả ai chịu tìm hiểu về 2 mode group còn lại). 2 group mode còn lại cho phép mình tạo ra 2 UI khác nữa của riêng mình. Với mỗi thao tác kể trên, mình có thể gán 1 mức sáng tùy ý trong 12 mức sáng định sẵn. Tức là mình có thể có UI như Olight nhấn giữ ra moonlight, 1 click medium, double click turbo. Hoặc UI mình hay dùng 1 click moonlight để đi đái, double click medium tầm 700 lumens, nhấn giữ để turbo. Hoặc mình có thể gán tất cả các thao tác với cùng 1 mức sáng khoảng 300 lumens rồi đưa cho bà nội dùng, dù bà có bấm gì đi nữa thì đèn chỉ có bật, tắt, luôn luôn là 300 lumens.

Ánh sáng: Beam Armytek đập chết tươi Zebra không cần phải bàn cãi. Zebra dùng Cree XHP 50.2 5000K CRI95 với mức turbo 1568 lumens. Beam sáng đều, không tint shift, không donut hole. Tuy nhiên, bóng Nichia 144A 4500K CRI90, theo ý kiến cá nhân mình cho ra beam đẹp hơn, đều hơn, độ tái tại màu chân thực nhất so với ánh sáng ban ngày (đẹo mé mình chưa bao giờ thấy quả beam tái tạo màu nào chân thực như con này, kể cả nichia 219b R9080 4500K trên D4V2 cũng không tái tạo màu đẹp bằng con này).
ⅠⅠ. Những điểm phụ khiến cây đèn gù đặc biệt và đáng tiền.
Thiết kế: Mỗi hãng mỗi kiểu, tùy gu mỗi người. Armytek thì đen như hòn than, lớp mạ như phấn, cầm thích tay. Đầu đèn làm mình liên tưởng tới bộ đồ lặn thời kì đầu những năm 1400 của Đức. Chóa tổ ong cùng lớp kính bảo vệ nằm khá sâu bên dưới vòng thép dày sáng bóng cho cảm giác an toàn. Nhìn tổng thể cây đèn rất chắc chắn và có thể chịu được nhiều va đập. Về phần Zebra thì lại theo trường phái mềm mại, mượt mà. Thân đèn được thiết kế siêu tối giản, không hầm hố hay vân bám, gợn sóng. Lớp mạ của Zebra là Natural Anodization, là lớp mạ bền nhất trong các loại mạ. Đổi lại, zebra sẽ không thể kiểm soát được màu và độ bóng của lớp mạ nên đèn sẽ có màu cứt ngựa (Xem SkyLumen giải thích tại đây). Lớp kính đục được nằm dưới vòng thép giống Armytek nhưng không sâu bằng.
Nút bấm: Nút Armytek hơi khó bấm, được thiết kế lồi, nằm bên hông, rất thuận tiện khi đội đầu. Có cả đèn chớp nên dễ tìm trong đèn trong bóng tối. Zebra thì đặt nút sâu ở trên đỉnh đèn, khó để vô tình bật đèn lên. Tuy nhiên nó lại bất tiện khi dùng làm đèn đội đầu. Cả 2 đều cho cảm giác bấm nảy, phản hồi tốt và bền sau rất nhiều lần bấm.

Dây đeo đầu: Dây Zebra làm khá bình thường như bao dây đeo đầu khác với 2 vòng silicone nhưng là silicone chất lượng cao, dây cũng rất chất lượng, đàn hồi tốt. Armytek thì có cái cài đèn khá tiện cho việc lấy ra lấy vô nhưng chất lượng thì rất tệ. Cái cài đèn rất dễ gãy nếu không cẩn thận, dây đeo mỏng, bóng, với họa tiết và chữ quảng cáo màu mè dày đặc (logo lá phong, logo armytek, hình kim cương, dòng chữ BoRn tO eXcEed, aRmyTek.cOm) như đai lưng quần xì của các anh hiphop trong phim Mỹ thập niên 90. Mang dây Armytel ta nói nhục chết bỏ.

Độ bền: Cả 2 đều potted electronic (đổ keo trong đầu đèn) nên bền hơn các loại đèn 18650 trên thị trường nhìn chung, chống nước tốt hơn và chịu va đập mạnh hơn (tuy nhiên cũng khó sửa và khó độ hơn). Về độ chống nước thì cả 2 chưa vô nước bao giờ nhưng Armytek có double oring nên có thể sẽ chống nước tốt hơn. Zebra thì không dùng double oring nhưng lại dùng 1 oring to dày cùng thiết kế Two Chambers (khoang pin và khoang đèn hoàn toàn cách biệt nhau nên nếu nước vô khoang pin sẽ không vô khoang đèn và ngược lại). Theo trải nghiệm cá nhân của mình thì Zebra bền hơn. Mình có 2 con Zebra và chưa bao giờ có vấn đề gì cả. Con đầu tiên đã xài hơn 7 năm và vẫn ngon. Cơ bản thì Zebra nó quá nhẹ và quá tối giản, không có tính năng gì đặc biệt nên khi rơi không bị tác động nhiều. Còn Armytek mình có 2 con, đã bảo hành cả 2. Và có vẻ như dòng Pro sẽ bền hơn những dòng khác vì có potted (mình nghĩ thế chứ không chắc vì không biết những dòng khác của armytek có potted hay không).






Độ tương thích pin: Cả 2 đều có thể dùng mọi loại pin 18650 button top hay flat top, protected hay unprotected đều được hết, có thể tận dụng tối đa viên pin và có runtime cực trâu bò với moonlight runtime tính bằng tháng.
Tính năng phụ trợ: Zebra có thể kiểm tra dung lượng pin bằng cách bấm 4 lần và cài đặt nhiệt độ giới hạn. Armytek thì có nút báo đèn, đuôi nam châm, sạc nam châm.
Để lại một bình luận