Hôm nay, Hùng muốn chia sẻ với anh em về một chiếc đèn pin không chỉ là công cụ chiếu sáng, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật, một biểu tượng trong thế giới đèn pin tùy chỉnh: Cool Fall Spy 007. Nếu anh em đã chơi đèn lâu năm, chắc chắn cái tên này không còn xa lạ gì nữa, nó thường được nhắc đến như một “grail” – món đồ ao ước mà nhiều người muốn sở hữu. Mình đã tổng hợp và tìm hiểu khá kỹ về nó qua các nguồn thông tin, và phải nói là càng tìm hiểu, mình càng thấy nó đặc biệt, sau một thời gian dài tham gia vào bộ môn sưu tầm đèn pin mình đã quyết định sắm cho mình một em 007 Bow-Ti, tức là phiên bản giá rẻ nhất của Cool Fall 007, và sau đó lần lượt là 2 em 007 Ultra vì quá mê mẩn. Bây giờ bạn hãy cùng Hùng tìm hiểu thêm tại sao đây lại là đỉnh cao của bộ môn sưu tầm đèn pin.
Giá cả và Giá trị: Quá đắt hay quá rẻ?
Cái điểm đầu tiên mà ai cũng phải nhắc đến khi nói về Spy 007 chính là giá của nó. Một chiếc đèn mới có giá lên tới 3600$. Nghe qua thì đúng là “điên rồ” phải không anh em? Như bạn Tony Sculimbrene trên website Everyday Commentary đã nói, “Không có chiếc đèn pin nào đáng giá bằng đó tiền”. Anh em có thể mua một chiếc đèn pin khác với hiệu năng chiếu sáng tương đương hoặc thậm chí cao hơn chỉ với một phần nhỏ số tiền đó. Thậm chí, nếu bạn mua lại trên thị trường thứ cấp (secondhand market), giá cũng không thể mềm hơn, vì phải chờ đợi quá lâu, thậm chí email cũng không được phản hồi.

Và để nói thêm về giá thì cứ sau một vài năm thì David Livingston (maker Cool Fall) lại tăng giá chút ít để cân theo lạm phát. 007 luôn có 3 mức giá cho 3 option khác nhau, hiện tại ở thời điểm Hùng viết bài này thì giá của bản Ultra (đầy đủ nhất, có Vegas knob (núm khoá) và nắp pin mở nhanh) là $3595, bản thứ hai Black-Ti (không có Vegas knob và nắp mở bằng cách nhấn vào lỗ) giá $2295, cuối cùng là My-Ti (trước đây tên là Bow-Ti, không có cả knurling như Black-Ti, bản thấp nhất) có giá là $1795. Tất nhiên, những cái giá trên chưa bao gồm chi phí ship nội địa Mỹ, sale-tax, và khi mua về Việt Nam chúng ta còn phải tốn thêm phí vận chuyển và rồi thuế nhập khẩu nữa.
Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, cái giá hơn 2000$ lại được cho là “QUÁ RẺ”. Tại sao lại ngược đời như vậy? Bởi vì Cool Fall Spy 007 được đặt trong bối cảnh của các sản phẩm thủ công cao cấp khác. Hãy so sánh nó với dao custom, tủ bếp custom, hoặc xe hơi custom. Chi phí cho sự khéo léo, kỹ thuật lập trình phức tạp, kiến thức kỹ thuật điện, và khả năng gia công đỉnh cao để tạo ra Spy 007 là cực kỳ lớn, chưa kể chất xám mà David đã bỏ ra trong việc thiết kế là thực sự khủng khiếp. Nó được mô tả như một “máy tính hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, được đặt trong một thân vỏ titan tùy chỉnh, có khả năng tạo ra ánh sáng”. Nhìn từ góc độ này, mức giá đó so với các món đồ thủ công tinh xảo khác lại không quá tệ. Nó là một món đồ “stupidly expensive” (đắt một cách ngớ ngẩn) nhưng không phải là “something-you-fight-over-in-a-divorce expensive” (đắt đến mức tranh giành khi ly dị).
Vậy nên, câu chuyện giá cả của Spy 007 không đơn thuần là giá trị sử dụng thông thường của một chiếc đèn pin, mà là giá trị của sự sưu tầm, của kỹ nghệ chế tác, và của một món đồ thủ công độc đáo.
Thiết kế và Hoàn thiện: Cái hồn của Spy 007
Nếu giá là điểm gây sốc ban đầu, thì thiết kế và hoàn thiện chính là yếu tố giữ chân anh em lại và khiến nó trở nên đặc biệt. Thiết kế của Spy 007 được đánh giá là “cách mạng hóa trong mọi khía cạnh”. Form factor của nó rất tuyệt, chứa được hai viên pin trong một kích thước mà bình thường chỉ chứa một. Điều này khiến đèn hơi nặng một chút, nhưng không sao.
Nhưng đỉnh cao phải nói đến là “Fit and Finish” (độ ăn khớp và hoàn thiện bề mặt). Từ “perfect” (hoàn hảo) là chưa đủ để miêu tả, phải là “mind-blowingly insane” (gây kinh ngạc đến điên rồ). Đó không chỉ là sự hoàn hảo, mà còn là “high degree of difficulty item” (món đồ có độ khó chế tác cực cao). Thân đèn được phay (milled) từ một khối titan duy nhất, không phải là các bộ phận ghép lại. Sự chính xác trong gia công đến mức các chốt căn chỉnh trong khoang pin khớp hoàn hảo với nắp pin, tạo ra một độ kín tuyệt vời. Ngay cả khi chưa gắn lò xo nắp pin vào, độ khớp đã rất khít rồi. Nó không chỉ có đường thẳng và hình tròn, mà còn có cả các đường cong và hình dạng phức tạp khác. Thật sự là mình chưa từng thấy thứ gì trong thế giới đồ gear nào sánh được, không gì cả, kể cả Kemenes, hay thậm chí là Mirage Man.

Bề mặt đèn 007 Bow-Ti có một lớp hoàn thiện được gia công bằng máy (machined finish). Ban đầu nhìn trong ảnh, có thể anh em sẽ nghĩ nó sần sùi, không mịn màng. Nhưng khi chạm vào, nó lại rất mịn màng (very smooth to the touch). Đây là một kết cấu mà David (Data) – người tạo ra Cool Fall – cố ý tạo ra. Nó có vẻ ngoài rất tuyệt khi cầm trên tay. Điểm yếu duy nhất của bề mặt này là nó rất dễ bám vân tay. Để làm sạch, Data khuyên nên lau nhẹ theo “thớ” của đường gia công (wipe with the grain of the machining) bằng khăn giấy ướt và một chút xà bông nhẹ, sau đó lau khô bằng vải cotton mềm. Lau ngang “thớ” bằng khăn khô có thể tạo ra các vết xước nhỏ. Thậm chí, ngay cả khi dùng ngón tay chà xát, cũng nên theo “thớ” để giữ cho đèn trông như mới.
Phần đáy đèn (tail cap) ở phiên bản cơ bản Bow-Ti có vẻ ngoài trông như có rãnh (ridged) trong ảnh, tạo cảm giác có gờ để cầm nắm. Nhưng thực tế, bề mặt này hoàn toàn phẳng, ngón tay trượt trên đó rất mượt mà. Khi xoay nhẹ đèn, anh em có thể thấy hiệu ứng gần như “holographic” (ba chiều) từ các đường gia công.

Kính bảo vệ trên các phiên bản là kính sapphire. Ở các mẫu mới nhất, kính sapphire này có dạng cong (curved flush mount sapphire lens), được đặt phẳng (flush) với bezel. Thiết kế này không chỉ đẹp mà còn có công năng, không tạo ra chỗ lõm để bám bụi bẩn. Kiểu dáng này được lấy cảm hứng từ kính đồng hồ đeo tay cao cấp. Bezel cũng được tạo đường viền (contour) để khớp hoàn hảo với độ cong của kính và được đánh bóng gương (fine polish).
Một số tùy chọn hoàn thiện khác bao gồm Springfield Knurl (kiểu nhám sần độc đáo, được mô tả là “flat knurl in titanium”) và Stone Wash. Springfield Knurl, giống như Stone Wash Gunner Grip trước đó, có khả năng che giấu các vết xước và vân tay hàng ngày. Với Black-Ti và Ultra, thì mặc định được hoàn thiện Stone Wash.
Cầm nắm và mang theo (Grip & Carry): Tiện lợi bất ngờ
Về cảm giác cầm nắm, Spy 007 có thiết kế khác biệt hoàn toàn so với kiểu đèn hình ống truyền thống. Nó được thiết kế để nằm gọn trong lòng bàn tay khi nắm lại, với các ngón tay đặt đúng vị trí để điều khiển đèn, dù là tay trái hay tay phải. Đây là một thiết kế độc đáo, sáng tạo, thực sự hiệu quả.

Việc mang theo cũng rất thú vị. Anh em có thể không cần kẹp túi. Kích thước và hình dạng của nó rất phù hợp để mang trong túi tiền xu nhỏ trên quần jeans. Mặc dù nó khá dày và hơi nặng do dùng hai viên pin CR123a và thân titan nhỏ gọn, nhưng anh em sẽ quen dần, đặc biệt khi giữ nó trong túi tiền xu. Tất nhiên, đèn có lỗ xỏ dây đeo (lanyard hole), lỗ hơi nhỏ và chỉ xỏ được dạng dây cỡ nhỏ chứ không vừa dây lớn, lỗ cũng nằm gần số serial, mình từng thử nhiều dây rồi mà vẫn chưa kiếm được dây xỏ ưng ý trên thị trường.
Optics và Beam: Ánh sáng đặc biệt
Về nguồn sáng, Spy 007 sử dụng nhiều loại emitter (bóng LED) khác nhau. Các tùy chọn phổ biến bao gồm Nichia 219b, 219c, 519a, SST20, và Samsung SDR50. Các mẫu mới hơn có thể dùng XM-L2, XP-L, và XP-L HI với tùy chọn nhiệt độ màu 4000K, 5000K hoặc 6000K. Em Bow-Ti của mình dùng SST-20 còn 2 em Ultra lần lượt dùng XPL-HI 4000K và 5000K.

Điểm mạnh lớn của Spy 007 là chất lượng chùm sáng tuyệt vời. Mặc dù output có thể không phải là cao nhất trên thị trường hiện tại, nhưng độ cân bằng giữa “spill” (vầng sáng phụ xung quanh hotspot) và “throw” (khả năng chiếu xa của hotspot) là tuyệt hảo với choá McR18 của McGizmo. Hotspot tập trung và spill tốt. Cùng với khả năng kiểm soát output chính xác, chùm sáng này có thể đáp ứng nhiều nhu cầu, từ chiếu xa đến làm việc cự ly gần. Chất lượng chùm sáng của Spy 007 được nhiều người kì cựu đánh giá là không thể so sánh. Không có các lỗi như artifact (vầng sáng không đều), lỗ hổng (holes), vòng (rings) hoặc bất kỳ khuyết điểm nào.
Anh em cần lưu ý rằng vị trí emitter không cần phải nằm chính xác ở trung tâm để chùm sáng hoàn hảo, cái này nhiều người vẫn lầm tưởng là cứ canh led ở giữa là sẽ cho beam đẹp, điều này không phải lúc nào cũng chính xác. Spy 007 cũng có tản nhiệt đồng rất dày giúp tăng output và hiệu quả, nhưng cũng khiến việc tháo lắp đèn khó khăn hơn, việc bung một con đèn 007 để thay LED là điều … gần như bất khả thi.
Cả 3 con 007 mình có đều có thể lập trình (programing) lên maximum là 3300mA với 2 pin 16340.
User Interface (UI) và Lập trình: Sức mạnh bên trong
Giao diện người dùng (UI) của Spy 007 xoay quanh một núm xoay (rotary knob) ở phía trước đèn. Núm này có 7 vị trí cố định (discrete locations), từ 0 (tắt – Off) đến 6 (sáng nhất – full power). Vị trí 0 là khi xoay núm ngược chiều kim đồng hồ hết cỡ. Xoay theo chiều kim đồng hồ sẽ bật đèn và tăng độ sáng qua các vị trí 1 đến 6. Có điểm dừng ở vị trí 0 và 6, nên núm không xoay được 360 độ, dù vậy nó có độ bền rất cao, mình thường xoay rất bạo lực và nó chạm đến mức 6 nghe cái “cạch” mà vẫn vô tư, không ảnh hưởng đến độ bền, mình từng lo ngại và có email cho Daivd nhưng ông nói không sao cả.

Khả năng lập trình của Spy 007 được mô tả là “insane” (điên rồ). Anh em có thể lập trình hầu như mọi thứ mà không cần kết nối máy tính. Mức độ phức tạp và mạnh mẽ của nó được ví như “DARPA-level tech”. Phiên bản driver mới nhất có nhiều tính năng, bao gồm theo dõi điện áp pin sạc và chức năng cắt pin cho pin sạc để tránh xả quá sâu, chưa kể bạn có thể chỉnh từng nấc điện một cho từng nấc sáng nữa, thực sự chi tiết.
Có hai loại núm chính: Military knob (đơn giản hơn, của các bản thấp) và Vegas knob (có khóa, bản Ultra). Với Vegas knob, anh em có thể kéo vòng khía nhỏ trên núm ra để mở khóa và xoay núm. Chức năng chính của Vegas knob là khóa núm ở một vị trí nhất định, ngăn không cho đèn vượt quá mức sáng đó. Điều này hữu ích khi anh em muốn giới hạn output cho mục đích sử dụng hàng ngày hoặc khi cho người khác mượn đèn. Để đi quá mức khóa, chỉ cần kéo vòng khía ra một nấc. Anh em cũng có thể sử dụng Vegas knob để khóa đèn hoàn toàn ở vị trí 0 (Off), ngăn đèn bật lên tình cờ trong túi. Vòng khía trên Vegas knob có các chi tiết (dice markings) để anh em có thể cảm nhận vị trí mà không cần nhìn.
Một tính năng đặc biệt và thú vị là phản hồi xúc giác (haptic motor). Có motor nhỏ bên trong khiến đèn rung nhẹ mỗi khi anh em xoay núm, giống như rung điện thoại khi có tin nhắn. Theo Sean (một người chơi kì cựu) nói với mình, có ba motor bên trong mỗi con 007, đó là lý do em nó rung mạnh và đanh như vậy. Để bật cái này thì các bạn chịu khó xem qua hướng dẫn, nó nằm trong phần “easter egg”, có 2 hay 3 tuỳ chỉnh gì đó cho phần rung, khá hay.
Spy 007 còn có tính năng kiểm tra điện áp pin. Ở vị trí 6, đèn sẽ nháy báo hiệu điện áp với ba chữ số có nghĩa. Ví dụ, nó có thể nháy 4 lần, dừng, nháy 1 lần, dừng, rồi bip, có nghĩa là điện áp trung bình của pin là 4.10V.
Pin và Nắp pin: Chi tiết tinh xảo
Spy 007 sử dụng hai viên pin CR123 lithium primary (không sạc) hoặc pin sạc 16340/RCR123 (3.7V) mắc nối tiếp. Cool Fall khuyên dùng pin Surefire cho pin primary. Tuyệt đối không trộn lẫn pin cũ và pin mới, hoặc các loại pin khác nhau. Khi lắp pin, cần chú ý đúng cực: pin phía sau LED đặt cực “+” vào trước, pin còn lại đặt cực “-” vào trước, vì sao mình nói cần chú ý, vì cực kỳ dễ nhầm lẫn, và sẽ gây chết mạch, mà mỗi lần gửi cho David sửa chữa thì ban phải đợi ít nhất là hai đến 6 tháng, chẳng hạn như mình có gửi cho David 1 con 005 cổ của mình, và tới giờ đã 6 tháng mà vẫn chưa được sửa xong.
Về nắp pin, có hai loại chính: loại dùng chốt nhả (release pin) và loại vặn Vault (twist-off). Loại chốt nhả (Military battery cap) yêu cầu anh em ấn vào một chốt nhỏ để nắp bật ra. Nếu đèn không có pin, nắp sẽ không tự bật ra mà anh em phải vừa ấn chốt vừa kéo ra. Spy 007 đi kèm với hai hạt nhỏ (beads) có thể luồn vào dây đeo, dùng để ấn chốt nhả nắp pin một cách tiện lợi. Hùng hay dùng cả tăm hoặc bông ngoáy tai để làm việc này.

Loại Vault battery cap là dạng vặn xoắn (twist off design), không có chốt nhả. Nó được thiết kế để tháo lắp dễ dàng hơn khi cần thay pin hoặc lập trình nâng cao. Nắp pin cần được căn chỉnh đúng với hai chốt trên thân đèn để lắp vào dễ dàng. Có một dấu hiệu nhỏ gần lỗ xỏ dây đeo để hỗ trợ việc căn chỉnh này. Nếu lắp sai chiều (xoay 180 độ), nắp sẽ không vào được. Độ chính xác trong gia công của Spy 007 còn thể hiện ở chỗ, ngay cả khi lắp sai chiều, anh em cũng không thể cưỡng ép nó vào được, nó chỉ dừng lại chứ không bị kẹt hay mài vào nhau. Và nắp dạng xoắn chỉ có trên bản 007 Ultra, tức là bản mắc nhất.
Spy 007 có sử dụng O-ring để chống nước. Kích thước O-ring lớn hơn ở nắp pin là Size 20 (đường kính trong 1 inch), và O-ring cho núm Military là Size 11 (đường kính trong 5/16 inch). Đèn có khả năng chống nước ở độ sâu 20m (66 feet) ở trạng thái tĩnh. Mình cũng mua sẵn mấy cái O-ring màu khác để thay cho phần núm, cho nó đỡ chán.
Các tính năng đặc biệt khác
Tritium Slots: Hầu hết các đèn Cool Fall đều có khả năng lắp ống tritium. Có các khe tritium ở phần đầu đèn và nút công tắc. Và kích thước của nó khá dị, 5.5mm, bạn không nghe nhầm đâu, nó không phải là 6mm như tiêu chuẩn, mà là 5.5mm. Có 2 cách để nhét tritium vào Cool Fall 007, một là bạn cẩn thận mài 2 đầu của thanh 6mm cho đến khi nó vừa vặn, và mình đã làm thử 3,4 lần không được, mài tới buồng chứa tritium rồi mà vẫn chưa vừa, và cách thứ 2 dễ hơn, là lùng mua cho được thanh tritium 5.5mm trên CPF (https://www.candlepowerforums.com)
Attachment Rail: Ở cạnh bên của mỗi đèn Cool Fall có một họa tiết đặc biệt được gọi là attachment rail, cái này để gắn tay phụ để làm việc, tuy nhiên tới giờ mình vẫn chưa mua được cái rail này để thử.

Packaging: Đèn Cool Fall Spy 007 khi mua từ nhà sản xuất (Data) có thể đi kèm với một số phụ kiện như dây đeo, và có thể cả một chiếc túi hoặc hộp đựng đẹp mắt. Trước đây, đèn thường đi kèm trong các hộp gỗ tuyết tùng (cedar) hoặc thông (pine) nhỏ rất đẹp, tạo cảm giác hoài niệm. Các hộp mới hơn có thể lớn hơn và có mút lót. Khi mua trực tiếp, anh em còn nhận được giấy chứng nhận xác thực (certificate of authenticity) và các món quà nhỏ như coaster, patch, sticker. Đó là những thứ mình nghe kể lại, vì ở thời điểm mình mua là năm 2024, thì Data đã dùng hộp Pelican cỡ nhỏ để đựng đèn, một điều khá đáng tiếc, mình vẫn ưu tiên những thứ hoài niệm hơn là nhựa.
Các phiên bản và Lịch sử
Cool Fall bắt đầu với mẫu Spy 005 từ năm 2005, ban đầu làm từ nhôm anodized (mình có 1 em này và vẫn đang chờ Data sửa, không biết có sửa được không, do mình săn mua lại và nó trong tình trạng chết led). Spy 007 là thế hệ mới hơn, chủ yếu làm từ titan, với nhiều cải tiến về điện tử và thiết kế. Có các phiên bản khác nhau của 007 như Bow-ti/My-Ti (máy finish, cạnh phẳng), Black-Ti (Springfield knurl, máy finish), và Ultra (Stone wash, Springfield knurl, Vault cap, Vegas knob). Ngoài ra còn có Tri-V với ba kênh sáng (flood, reflector, aspheric spot beam) và Tri-V 2.0. Mẫu 005 hiện tại (Ti) cũng có bezel và núm làm từ titan.
David Livingston (Data) là người đứng sau thương hiệu Cool Fall. Ông được xem là một trong những người giỏi nhất trong lĩnh vực gia công titan cho đèn pin. Đáng tiếc là thị trường đèn pin custom cũng chứng kiến các trường hợp các công ty lớn như Sysmax (công ty mẹ của Nitecore, JetBeam, Niteye) sao chép thiết kế từ các nhà chế tác nhỏ hơn như Cool Fall và Muyshondt, điều này làm mình và những người chơi nghiêm túc thực sự thấy buồn.

Vị thế trên thị trường đèn custom
Trong thế giới đèn pin, anh em thường đi từ các thương hiệu bình dân, rồi đến các hãng boutique với hiệu năng tốt hơn. Sau đó, anh em có thể bắt đầu quan tâm đến chi tiết hơn như màu sắc và tint của ánh sáng, chọn emitter cụ thể từ các nhà chế tác như Hank Wang (Hanklights, Emisar). Và cuối cùng, anh em tìm đến đỉnh cao của kỹ nghệ gia công, nơi mà các chi tiết nhỏ nhất cũng được làm hoàn hảo, đó là lúc những cái tên như Cool Fall, Okluma xuất hiện.
Spy 007 được đặt ở vị trí đỉnh cao của kỹ nghệ gia công (pinnacle machining), một “piece of art”. Nó không chỉ là về output hay runtime, mà là về sự tỉ mỉ, độc đáo và giá trị thủ công, giống như sở hữu một chiếc đồng hồ đắt tiền hay xe hơi tùy chỉnh. Thị trường đèn custom khá đa dạng với nhiều nhà chế tác tên tuổi như McGizmo, Muyshondt, Fivemega, mcbrat, thetasigma, RPM, Dawson, FocusWorks bên cạnh David của Cool Fall và Jeff của Okluma. Mỗi người lại có phong cách và điểm mạnh riêng.
Cool Fall Spy 007 không phải là chiếc đèn cho tất cả mọi người. Giá cao và tính năng phức tạp (nếu đi sâu vào lập trình) có thể khiến nhiều anh em e ngại. Nhưng với những người đam mê kỹ nghệ chế tác, yêu thích sự độc đáo và sẵn sàng chi trả cho một sản phẩm thủ công đỉnh cao, Spy 007 là một trải nghiệm xứng đáng. Nó là sự kết hợp của kỹ thuật điện tử tiên tiến, khả năng lập trình mạnh mẽ và kỹ nghệ gia công titan ở mức không tưởng.
Sở hữu một chiếc Spy 007 không chỉ là có một chiếc đèn pin sáng, mà là sở hữu một phần của lịch sử và đỉnh cao của thế giới đèn pin custom. Nó nhắc nhở chúng ta rằng, đôi khi, giá trị không chỉ nằm ở công năng đơn thuần, mà còn ở câu chuyện, sự tâm huyết của người chế tác, và sự tinh xảo trong từng chi tiết nhỏ nhất.
Để lại một bình luận