Cảm nhận về đèn pin custom Okluma DC0 stonewashed titanium

Hôm nay mình muốn ngồi lại và chia sẻ một chút về một món đồ mà mình khá là khoái, một chiếc đèn pin không chỉ đơn thuần là chiếu sáng, mà còn mang trong mình rất nhiều câu chuyện, kỹ thuật và cái “chất” riêng: chiếc Okluma DC0.

Tại sao là Okluma DC0?

Nếu anh em đã chơi EDC một thời gian, chắc hẳn đã nghe đến cái tên Okluma, hay cụ thể hơn là DC0. Đây được coi là một trong những chiếc đèn pin EDC “đỉnh” nhất trong giới custom (hoặc chính xác hơn là small batch – sản xuất số lượng nhỏ). Nó có một vị thế đặc biệt, kiểu như một “chén thánh” mà nhiều anh em săn lùng. Jeff Sap, chủ xưởng Okluma Heavy Industries tại Hoa Kỳ, chính là người tạo ra nó. Mọi thứ đều được làm thủ công ở Mỹ.

Khi mình bắt đầu tìm hiểu về đèn pin cao cấp hơn, sau khi đã thử qua những hãng phổ thông như Reylight hay Emisar, mình nhận ra sự khác biệt. Mình thích độ hoàn thiện tốt hơn, và Okluma DC1 (tiền bối hoặc anh em của DC0) đã làm mình thực sự ấn tượng với chất lượng gia công. Từ đó, mình “đổ gục” và quyết tâm phải có một chiếc DC0. Có điều là mình tham gia lotto (xổ số) nhiều tháng mà không trúng được, sau đó thì bạn Vũ Lê (nhóm Mê Đồ Mẽo) đã trúng sổ xố và nhường lại suất mua cho mình, thật tuyệt.

Trải nghiệm mở hộp – Một sự chăm chút đáng kinh ngạc

Cái cảm giác lần đầu “đập hộp” DC0 thật khó quên. Nó không chỉ là cái đèn. Hộp đựng thôi đã nói lên sự khác biệt rồi. Không phải hộp giấy bình thường, nó là một chiếc hộp gỗ (thường là Cedar hoặc Pine) được cắt mút xốp bên trong vừa vặn với đèn. Mở hộp ra, cái mùi gỗ thơm lừng, gợi nhớ những kỷ niệm xưa, cảm giác như đang mở một rương kho báu vậy.

Bên trong hộp còn có đầy đủ “gia phả” của chiếc đèn: giấy khai sinh (certificate) có ghi rõ model, vật liệu, loại LED, ngày sản xuất và chữ ký của Jeff. Kèm theo đó là pin sạc 14500 chất lượng cao (thường là Vapcell 1000mAh), cục sạc rời (thường là Nightcore), rồi sticker, nam châm, và cả cái lót ly in hình chú chó Joey đáng yêu của Jeff. Tất cả cho thấy sự quan tâm, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất. Jeff Sap nổi tiếng về dịch vụ khách hàng tuyệt vời và chính sách bảo hành “có vẻ chất lượng”.

Chất lượng gia công – Sự tinh tế

Cái “linh hồn” của DC0 nằm ở chất lượng gia công và vật liệu. Phiên bản phổ biến và được săn lùng nhất là Titanium. Cầm chiếc đèn titanium nhỏ gọn này trên tay, bạn sẽ cảm nhận ngay được sự “đầm”, cái heft rất riêng, khác biệt hẳn với đèn nhôm thông thường.

Độ hoàn thiện (machining) của DC0 được đánh giá là “impeccable” – không thể chê vào đâu được. Từ thân đèn đến các đường ren xoáy pin đều rất mượt mà, chính xác. Phần khía (knurling) trên thân đèn, nơi tay cầm, được làm rất tinh xảo, tạo cảm giác cầm nắm cực kỳ chắc chắn. Mặc dù một số anh em nói khía này hơi “aggressive” trên bản titanium, có thể làm sờn vải túi quần, nhưng với mình, nó lại tăng thêm sự “tactical” và độ bám.

Thiết kế của DC0 rất nhỏ gọn, được coi là một trong những chiếc đèn 14500 mỏng nhất. Kích thước này rất lý tưởng cho việc bỏ túi EDC hàng ngày. Nó vừa vặn trong lòng bàn tay, cảm giác cầm rất “sướng”. Clip cài túi bằng titanium cũng được thiết kế rất tốt, có độ đàn hồi vừa phải để cài vào túi dễ dàng, đây cũng là cái clip cài Hùng thấy chuẩn nhất cho đèn pin, thậm chí Hùng còn thích nó hơn là clip cài của Brat Guy làm cho các đèn Mac hay Mirage Man.

Tính năng và hiệu suất – Đơn giản là tinh Tế

DC0 không chạy đua về số lượng chế độ hay lumen khủng. Triết lý của Jeff Sap với DC0 là sự đơn giản và hiệu quả.

LED: Thường dùng chip LED Nichia 519a. Đây là một trong những LED được cộng đồng đèn pin rất ưa chuộng vì chất lượng ánh sáng đẹp, màu sắc trung thực (high CRI – dù không công bố con số cụ thể trên DC0, nhưng 519a có CRI cao) và tint màu ấm áp, dễ chịu (thường là 4500K, nếu thích con LED khác thì có thể nhắn cho Jeff).

Optic/Chóa: Thay vì dùng chóa phản xạ (reflector) tạo beam hẹp, DC0 sử dụng thấu kính tán xạ (optic). Có các tùy chọn optic 10°, 20° hoặc 30°. Phiên bản mình hay dùng là 30°, cho chùm sáng cực kỳ rộng và mịn (pure flood), ban đầu khi mình mua là choá tổ ong, và mình đã mod lại đôi chút, mình sẽ nói thêm ở phần sau.

Anh em chơi đèn chắc biết về Lumens và Lux. Lumens là tổng lượng ánh sáng phát ra, còn Lux là độ sáng trên một mục tiêu cụ thể (lumen trên mỗi mét vuông). Mắt người không giỏi đánh giá Lumens mà chủ yếu cảm nhận Lux. Một đèn 500 lumens với chóa tán xạ rộng 30° (DC0) có thể giúp anh em đọc sách dễ chịu hơn đèn 100 lumens với chóa gom sáng hẹp vì nó không gây chói lóa ở điểm trung tâm (hotspot). DC0 công bố 500 lumens, đo thực tế khoảng 291-350 lumens. Với optic tán xạ rộng, nó rất phù hợp cho các tác vụ gần, chiếu sáng một khu vực rộng khi đi bộ hoặc dùng trong nhà.

Giao diện (UI): Cực kỳ đơn giản – chỉ 3 chế độ sáng: Thấp (Low/Moonlight), Trung bình (Medium), Cao (High). Có bộ nhớ chế độ. Công tắc bấm đuôi (McClicky) cho phép anh em bấm nhẹ để bật/chuyển chế độ tạm thời (momentary), bấm hết hành trình để click on/off. Không có lập trình phức tạp, không nháy strobe, chỉ tập trung vào công năng cốt lõi một cách mượt mà. Đây cũng là một điểm tuyệt vời của Okluma, nó đơn thuần là một cái đèn pin, không có gì để vọc phá, và cả switch McClicky cũng tiêu chuẩn, không có nhiều điều để khen chê lắm.

Chế độ Moonlight: Đây là một điểm cộng lớn. Chế độ thấp nhất của DC0 cực kỳ mờ, đủ để anh em di chuyển trong đêm tối mà không làm chói mắt hay ảnh hưởng đến người khác. Mình lâu lâu hay dùng nó để đọc sách trên giường khi vợ đã ngủ, rất tiện.

Điểm nhấn độc đáo: Một chi tiết nhỏ nhưng rất hay là miếng lót phát sáng trong bóng tối (glow-in-the-dark insert) bên trong đầu đèn, gần LED. Sau khi tắt đèn, nó phát sáng mờ mờ, giúp anh em dễ dàng tìm thấy đèn trong bóng tối và cũng là một điểm nhấn thẩm mỹ độc đáo.

Sự “hiếm” và cái giá – Đắt xắt ra miếng?

DC0 không phải là chiếc đèn anh em có thể dễ dàng mua được. Jeff Sap sản xuất số lượng nhỏ, thường bán theo đợt (drop) và nhanh chóng cháy hàng. Anh em thường phải săn lùng trên chợ đồ cũ (secondary market), và giá có thể còn cao hơn giá gốc nữa. Giá niêm yết khoảng 450 USD (chưa bao gồm giá tiền vận chuyển nội địa Mỹ).

Có thể nhiều người sẽ nói “đèn pin gì mà đắt thế?”. Đúng, nó đắt, thậm chí là “stupidly expensive” như nhiều người từng nói. Nhưng cái giá đó đến từ chất lượng gia công thủ công đỉnh cao, vật liệu cao cấp, thiết kế độc đáo và sự chăm chút của người thợ. Nó giống như việc so sánh một chiếc đồng hồ custom made hay một món đồ nội thất thủ công với hàng sản xuất công nghiệp vậy. Với mình, nó là một khoản đầu tư cho một món đồ mà mình thực sự yêu thích và dùng hàng ngày, một món đồ có “heirloom quality” (chất lượng đủ tốt để truyền lại cho thế hệ sau, ít nhất là phần vỏ đèn).

Hơn nữa nếu so về độ “đẹp” và phần công sức mà Jeff đã bỏ ra thì mức giá của DC0 cũng rất xứng đáng, nếu không muốn nói là hơn CWF Mini click (cùng kích cỡ pin), hay thậm chí là so về độ hoàn thiện với các đèn pin từ các maker đến từ Trung Quốc.

Khả năng “vọc vạch”

Dù đơn giản, DC0 vẫn có không gian cho anh em “vọc”. Có thể thay thế optic bằng các loại khác, hoặc thậm chí thay thế toàn bộ “engine” (phần chứa LED và driver) bằng engine của hãng khác như Reylight để có thêm tính năng như dual fuel (dùng được cả pin sạc và pin không sạc) hoặc UI phức tạp hơn. Điển hình là mình đã thay nguyên một cụm pill lẫn choá của Reylight LANapple (cũng dùng pin 14500) rồi xả cụm driver của Reylight ra và thay vào đó một driver 15DD từ MTN để có firmware guppy3drv, cuối cùng là gắn con LED FFL351 vào, mọi thứ thế là hoàn hảo cho một con đèn EDC với Hùng.

Lời kết – Tại sao mọi người khoái DC0 đến thế?

Tại sao một chiếc đèn pin đơn giản chỉ có 3 chế độ, không mạnh nhất, lại được nhiều người yêu thích đến mức… xăm hình nó lên tay (Mike, chủ kênh FlashLight Crazy) ?

Đơn giản là vì nó hoàn hảo trong vai trò một chiếc đèn pin EDC cao cấp đối với mình. Từ chất lượng hoàn thiện không tì vết, vật liệu cao cấp, cảm giác cầm nắm tuyệt vời, đến sự đơn giản, hiệu quả của giao diện và chất lượng ánh sáng đẹp. Mỗi khi cầm nó lên, mình cảm nhận được sự tâm huyết của người tạo ra nó. Nó không chỉ là một công cụ, nó là một món đồ khiến mình vui, một niềm tự hào khi sở hữu.

Thế giới đèn pin custom rất đa dạng, mỗi người một sở thích. Có thể DC0 không phải là “chén thánh” của tất cả mọi người. Nhưng với mình, ở phân khúc đèn pin 14500 custom, Okluma DC0 xứng đáng là một huyền thoại.

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *