Trải nghiệm gắn clip cài Steel Flame cho đèn pin Hanko

Tuần trước, mình có viết một bài cảm nhận về cây đèn pin custom từ  Hankophiên bản Tesseract Trident, bạn có thể đọc qua ở đây. Ngay khi nhận cây Tesseract, mình đã mua luôn cây Gunner Grip cùng với clip cài Steel Flame để thử nghiệm.

Một vài dòng về tiểu sử của hãng Steel Flame. Derrick Obatake, sinh ra và lớn lên ở Đông Los Angeles, đã thiết kế và làm trang sức hơn 35 năm. Từ nhỏ, ông đã được cha dạy nghề thợ máy. Ông là nhà ngọc học tốt nghiệp từ GIA và đã được đào tạo chính quy về các nghệ thuật trang sức truyền thống, đính kim cương, tạo mẫu, đúc, hoàn thiện và chế tạo. Derrick có nhiều kinh nghiệm trong việc dập khuôn và thiết kế CAD 3D. Ông thích kết hợp tay nghề thủ công truyền thống với công nghệ hiện đại để tạo ra phong cách độc đáo, hy vọng mang lại sự tươi mới và cảm hứng. Công ty mẹ của Steel Flame®, Elements, đã kinh doanh hơn 25 năm.

Thực sự mà nói, Steel Flame là một thế giới hoàn toàn khác biệt. Việc bạn bỏ ra cả ngàn đô để mua một chiếc đèn pin custom đã là điều khó hiểu, chưa kể đến những dòng custom exotic hay one-of-a-kind. Nhưng tất cả những điều đó vẫn chưa là gì khi so với những chiếc clip cài túi, vật dụng trang trí, đồ chơi, trang sức của Steel Flame. Những chiếc clip cài đèn pin từ vài trăm đến hàng ngàn đô (nếu là hàng one-of) là một ví dụ điển hình. Và nếu bạn là tín đồ của dao ngựa Hinderer, giá clip cài cho dao còn mắc gấp 2 hay 3 lần nữa.

Vậy tại sao nhiều người lại yêu thích chúng đến vậy? Phải nói là cuồng chứ không chỉ là yêu thích. Mỗi khi có ai đó rao bán lại trên các nhóm chợ của Steel Flame, nó chỉ trụ được cao lắm vài giờ, có khi vài phút là đã bay mất. Mọi người điên hết rồi hay sao? Chính mình trước đây cũng không thể hiểu nổi điều này, thấy có gì đâu mà mắc vậy, xấu muốn chết… cho đến khi mình cầm được một clip Steel Flame đầu lâu nhỏ (Hardness Skull) của một anh bạn đang gắn trên chiếc đèn pin CWF Peanut của anh ta (mình có một bài đánh giá về cây đèn này, vì mình cũng có 1 cây, có thể xem qua ở đây).

Phải nói là dù rất khó chịu với những chi tiết nhỏ không được chau chuốt khi trải nghiệm bất cứ sản phẩm nào, mình vẫn phải thốt lên: “Trời đất, đẹp dữ thần vậy!” Và quá trình lọt hố Steel Flame của mình bắt đầu. Tính đến thời điểm này, mình đã mua tổng cộng 3 cái clip 2 lỗ cho đèn pin size XL (khoảng trên dưới $500một cái tùy mẫu, đều là bằng đồng và không có Ruby Eye, mình chưa thích ruby trên mắt cho lắm, thấy hơi yếu).

Cái clip mà mình vừa gắn trên đèn pin Hanko có tên đầy đủ là XL Warrior Skull Torch Clip, tức là clip cài Warrior Skull kích thước XL dành cho đèn pin (với 2 lỗ ngang). Còn loại 2 lỗ dọc cũng dùng được cho đèn pin, nhưng do có thể sử dụng cho các bút EDC nên được gọi là Pen Clip hoặc 2-Hole Clip để phân biệt với Torch Clip 2 lỗ bắt ốc nằm ngang.

Vì đã gắn vào đèn pin rồi nên mình lười tháo ra để chụp hình mặt đáy của clip. Khi nào tiện tháo ra, mình sẽ chụp và bổ sung sau. Clip cài này bằng thép, rất dày và chắc chắn, không như các loại clip khác trên thị trường. Chỉ cần dùng T-10 Torx trên đèn pin là được, không phải titan giòn hay thiết kế phức tạp, chỉ là một clip thép không gỉ, bền bỉ và thực dụng.

Bề mặt của clip có những vân u ám loang lỗ rất độc đáo. Mình không rõ là Derrick gia nhiệt hay dùng hóa chất để tạo ra chúng. Mình đã có 2 cây đèn Hanko (Hanko dùng clip trơn 2D của Steel Flame với logo HMW), và clip cài của chúng rất tốt, đàn hồi ổn. Tuy nhiên, do clip quá dày nên khi giãn ra quá có thể khó hồi lại. Những vân trên clip không bị khối đầu lâu hay khiên che lại, nên các vệt loang trông rất đẹp.

Về cái clip cài của mình, phiên bản Warrior Skull, vì đèn Hanko chủ yếu là để trưng bày và sưu tầm nên mình không quá quan tâm đến tính năng sử dụng. Dù đèn sử dụng LED Samsung, một loại LED mình không thích lắm, nhưng mình vẫn chấp nhận vì như mình đã nói trong bài viết trước, đèn pin Hanko dường như được thiết kế để kết hợp với clip Steel Flame.

Mình chọn size XL vì nó đủ lớn để đẹp mà không quá khủng như XXXL (rất đắt và khó mua) nhưng cũng không quá nhỏ. Kích thước này làm người xem thích thú khi cầm đèn pin trên tay.

Về phần đầu lâu, kỹ thuật tạo hình của Derrick thực sự ấn tượng. Khi nhìn đủ lâu, bạn sẽ thấy sự chăm chút đến mức hoàn hảo. Trình độ gia công của Steel Flame đạt mức kim hoàn cao cấp, cách họ tạo patina trên đồng từ đen chuyển sang nâu, rồi oxy hóa nhẹ, tạo nên nhiều tầng màu sắc. Cá nhân mình đánh giá cao các clip cài bằng đồng hơn, dù giá chênh lệch giữa clip Steel Flame bạc và đồng trên thị trường chợ đen không nhiều.

Hốc sọ là yếu tố quan trọng tạo nên cảm giác “khó chịu” khi nhìn vào một mô hình đầu lâu. Vì vậy, dù có mua phiên bản có đá ruby đỏ trên mắt, mình vẫn không thích bằng phiên bản hốc mắt trơn như cái trong hình. Khi cầm trực tiếp trên tay và lắc dưới ánh đèn, bạn sẽ hiểu được cảm giác của mình.

Đây là cảm nhận sơ bộ của mình khi trải nghiệm clip cài XL của Steel Flame. Có vẻ mình bắt đầu nghiện nó rồi. Hy vọng sắp tới sẽ kiếm được thêm vài cái đẹp để gắn cho các đèn pin custom của mình. Có thể mình sẽ thử nghiệm clip có đầu lâu nhỏ để dùng hằng ngày cho đỡ vướng víu. Một lần nữa, mình muốn nói rằng Steel Flame đắt nhưng hoàn toàn xứng đáng, thực sự tuyệt vời.

Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *